Sau nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đại dịch Covid 19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến thị trường công nghệ kết nối vạn vật IoT (Internet of Things). Ngân sách đầu tư của các doanh nghiệp IoT vào năm 2020 tăng 12%, chỉ bằng một nửa của năm 2019.
Tuy vậy, năm 2021 lại trở thành một năm phát triển mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp IoT. Dự kiến mức tổng đầu tư ngân sách của các doanh nghiệp IoT tăng khoảng 24%. Các doanh nghiệp cũng đang chứng tỏ mức tăng trưởng doanh thu từ IoT đáng kinh ngạc vào năm 2021. Các doanh nghiệp lớn lần lượt báo cáo mức tăng trưởng IoT quý 3/2021 so với cùng kỳ năm ngoái: Qualcomm +83%, PTC +50%, Silicon Labs +39%, NXP +18%,…
Dưới đây là dự báo của IoT Analytics về 6 xu hướng ứng dụng công nghệ IoT cấp cao trong năm 2022.
Tốc độ áp dụng IoT sẽ tăng thần tốc
Theo báo cáo các trường hợp ứng dụng công nghệ IoT 2021 của IoT Analytics, có đến 79% tổ chức đang có kế hoạch đầu tư số tiền đáng kể vào ít nhất một dự án IoT trong vòng hai năm tới.
Thực tế, các công ty lớn có kế hoạch đầu tư khoảng 9 dự án ứng dụng IoT khác nhau trong hai năm tới. Hầu hết các công ty đều kế hoạch ứng dụng IoT để tối ưu hóa nguồn lực và hiệu suất nhà máy. 97% các công ty triển khai công cụ IoT để tối ưu hóa hiệu suất nhà máy đã có tỷ suất lợi nhuận (ROI) dương. Bên cạnh đó, những trường hợp ứng dụng IoT ít phổ biến cũng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh
Bức tranh tổng quan: tất cả các dấu hiệu đều cho thấy việc ứng dụng công nghệ IoT sẽ gia tăng trong những năm tới. Công nghệ IoT sẽ tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng hai con số mạnh mẽ trên thị trường công nghệ.
Chú trọng ứng dụng IoT trong việc tối ưu nguồn lực vận hành
Mặc dù việc ứng dụng IoT đang diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng, các trường hợp ứng dụng IoT tập trung vào tối ưu nguồn lực và vận hành dường như có nhu cầu cao nhất, cao hơn so với các trường hợp ứng dụng IoT cho chuỗi cung ứng của một công ty hoặc các sản phẩm kết nối thông minh bán cho khách hàng.
Ứng dụng hàng đầu của IoT là tự động hóa giúp cải thiện toàn bộ quy trình hoạt động và dự đoán thời gian bảo trì giúp tăng hiệu quả sử dụng tài sản nhờ vào việc dự báo được thời gian ngừng hoạt động ngoài kế hoạch. Những trường hợp này đều có khả năng được đầu tư mạnh trong hai năm tới.
Cốt lõi thúc đẩy ứng dụng IoT trong các trường hợp này là việc bổ sung công nghệ hoặc tính năng mới vào các hệ thống cũ. Các công ty sẽ kết nối cơ sở hạ tầng và nguồn lực cũ hiện có và thực hiện tối ưu hóa chúng trên các phần mềm.
Sáng kiến IoT có tỉ lệ thành công và mang lại giá trị thực tế cao hơn
Một khảo sát của Cisco vào năm 2017 cho biết khoảng 3/4 dự án IoT thất bại, 1/3 dự án đã hoàn thành không được coi là thành công. Chỉ có 26% dự án IoT thành công hoàn toàn. Mặc dù số liệu thực tế đã thay đổi, nhưng các tổ chức vẫn đang trích dẫn khảo sát này vào thời điểm hiện tại.
Tới nay, trong số khoảng 1.600 dự án IoT được IoT Analytics phân tích, 79% dự án có tỷ suất lợi nhuận dương. Các ứng dụng hàng đầu của IoT mang đến tỷ suất lợi nhuận dương cho 98% công ty.
Bất chấp sự phức tạp của nhiều dự án IoT, các yếu tố cản trở việc ứng dụng IoT rộng rãi đã được giảm thiểu, nhất là chi phí. Chi phí trung bình cho cảm biến giảm từ khoảng 1,4$ năm 2004 xuống dưới 0,5$ vào năm 2020 (Giảm gần 64%). Bên cạnh chi phí dành cho phần cứng giảm đi, chi phí cho phần mềm cũng trở nên rẻ hơn. Nhờ các nền tảng IoT và dịch vụ đám mây (cloud), các công ty có thể mua nhiều module phần mềm và trả tiền cho mỗi lần sử dụng, điều này giúp chi phí giảm khi sử dụng dịch vụ.
Sự thiếu hụt nhân lực IoT dự kiến sẽ là thách thức lớn trong nhiều năm tới. Nhưng vì nhiều nhà tích hợp đã xây dựng các đơn vị kinh doanh IoT cụ thể (phân tích gần đây IoT Analytics cho thấy có hơn 700 nhà tích hợp IoT đang hoạt động), đòi hỏi các công ty phải có giải pháp cho thách thức này.
Các nhà ứng dụng dẫn đầu ngày càng bỏ xa nhóm tụt hậu
Các doanh nghiệp thường nghĩ rằng ứng dụng IoT sau vẫn sẽ giúp doanh nghiệp của họ phát triển và thu hẹp khoảng cách với những công ty đã ứng dụng từ trước.
Tuy nhiên, dữ liệu của IoT Analytics cho thấy điều ngược lại. Các công ty đã ứng dụng công nghệ IoT những năm gần đây đều đang tăng thêm các danh mục đầu tư. Khoảng cách giữa người dẫn đầu và người đi sau vì thế ngày càng xa và khó có thể thu hẹp.
25% các công ty hàng đầu có tỷ lệ ứng dụng IoT được triển khai cao nhất có kế hoạch đầu tư cho các hoạt động ứng dụng IoT trong tương lai cao hơn so với 25% các công ty thấp nhất.
Ngành công nghiệp ô tô là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Năm 2012, Tesla đã trở thành công ty ô tô đầu tiên trên thế giới ra mắt phiên bản tự động cập nhật tính năng mới over-the-air (OTA) cho Model S.
(OTA là một trong 13 tính năng ứng dụng IoT của sản phẩm kết nối thông minh)
Trong gần 10 năm, Tesla đã đầu tư mạnh để toàn bộ sản phẩm của Tesla hiện nay nhận các bản cập nhật OTA đồng nhất và đáng tin cậy. Các bản cập nhật này bao gồm các bản cập nhật tính năng chính giúp tăng giá trị cho người dùng cuối. Ví dụ như: giám sát môi trường, đèn phanh động và phòng thu âm nhạc trong cabin,…
Trong khi Tesla đã tăng gấp đôi các trường hợp ứng dụng công nghệ IoT của mình, nhiều nhà sản xuất ô tô còn chưa bắt đầu công cuộc này. Theo Electrek, trong năm 2021, các công ty lớn như nhóm FCA (gồm các thương hiệu như Chrysler, Dodge và Fiat), chỉ cung cấp bản cập nhật phần cứng cho hệ thống thông tin giải trí và không có bản cập nhật từ xa lớn nào cho phần mềm lõi.
Cam kết của Tesla đối với tính năng tự động cập nhật OTA và các trường hợp ứng dụng IoT được trả tiền: OTA tạo ra các phương pháp kiếm tiền mới và Capgemini dự đoán rằng tỷ trọng doanh thu của các nhà sản xuất ô tô đến từ phần mềm sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới.
Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đang bắt kịp Bắc Mỹ và Châu Âu
Những năm trước đây, ứng dụng công nghệ IoT ở thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu cao hơn ở Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh thị trường IoT đang thay đổi. Các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (không chỉ Trung Quốc) đang bắt kịp Bắc Mỹ và Châu Âu.
Trong nghiên cứu mới nhất của IoT Analytics, các công ty trung bình – lớn ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ đã có kế hoạch đầu tư mạnh vào bảy trường hợp ứng dụng IoT khác nhau trong hai năm tới. Trong khi đó, các công ty ở Châu Á – Thái Bình Dương có kế hoạch đầu tư vào 13 trường hợp ứng dụng IoT khác nhau.
Các công ty ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc hoặc Việt Nam đang tập trung hơn vào việc số hóa các mô hình kinh doanh, đi tắt đón đầu từ sản xuất sử dụng nhiều nhân lực sang sản xuất cao cấp. Trung Quốc đang dẫn đầu xu hướng này do có sự hậu thuẫn lớn của chính phủ. Các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam cũng đều đang cố gắng bắt kịp.
Sự phức tạp của các dự án IoT vẫn là thách thức lớn
Các dự án IoT thường phức tạp và sự phức tạp này vẫn đang là thách thức lớn đối với việc ứng dụng IoT.
Các nhà cung cấp đã có nhiều nỗ lực để đơn giản hóa việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng IoT. Điều này có thể kể đến: việc phát triển các giải pháp IoT sẵn sàng sử dụng, các công cụ kết nối không chạm và các mô hình thanh toán chi trả mỗi lần sử dụng cho phần mềm và phần cứng. Các nhà cung cấp cũng đã giới thiệu các module phần mềm có thể sử dụng theo nhu cầu và bao gồm quá trình kết nối với các ứng dụng phổ biến khác.
Tuy nhiên, IoT Analytics cho biết sự phức tạp là điểm khó khăn nhất. Vì vậy, nên bắt đầu IoT với việc thử nghiệm và đảm bảo hiệu quả trước khi đưa giải pháp vào triển khai cho tổ chức hay khách hàng. Lập kế hoạch ứng dụng IoT và chuẩn bị kỹ càng được xem là chìa khóa quan trọng để ứng dụng IoT trở nên dễ dàng thực hiện và tiếp cận.
Nguồn: IoT Analytics